Tết Đoan Ngọ và những điều bạn chưa biết

Đối với những quốc gia tồn tại nền văn hóa dân gian phương Đông lâu đời như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,…, một năm không chỉ có Tết dương lịch và Tết nguyên đán. Vào giữa năm, người dân lại ăn một cái Tết lớn khác được gọi là Tết Đoan Ngọ. Trong ngày Tết này, người dân sẽ bày mâm cúng gần như tương tự với Tết Nguyên Đán. 

Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ tại một số địa phương sẽ được gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ, Tết nửa năm hoặc Tết giữa năm. “Đoan” nghĩa là mở đầu, còn “Dương” của “thái dương” ý chỉ mặt trời. “Ngọ” là canh ngọ từ lúc 11 giờ đến 13 giờ cũng là lúc mặt trời lên cao nhất. Theo lịch âm của người phương Đông, ngày Tết này sẽ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm. Nếu năm nhuận vào tháng 5 thì sẽ chọn tháng 5 đủ để tổ chức Tết giữa năm.

blank

Vào ngày này, người dân sẽ bày biện mâm cúng và tổ chức một số hoạt động theo truyền thống như đua thuyền. Bên cạnh đó, vào Tết Đoan Dương, nhiều gia đình sẽ làm túi thơm để treo trong nhà. Đây cũng là truyền thống lâu đời có nguồn gốc từ Trung Hoa. Túi thơm thường có chứa hùng hoàng, lưu huỳnh hoặc một hợp chất chứa lưu huỳnh. Hùng hoàng sẽ được kết hợp với nhiều hương liệu khác để giúp đuổi rắn, rết, bọ cạp,… Hiện nay, nhiều gia đình người Hoa và dân tộc ít người vẫn duy trì tập tục làm túi thơm này.

Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Tết giữa năm mang ý nghĩa cảm ơn đất trời trong mùa vụ cũ và cầu mong cho mùa tiếp theo cũng được bội thu. Theo quan niệm dân gian, nếu không cúng thì sẽ khiến vụ mùa thất bát, dịch bệnh hoành hành và nhiều điều xấu khác.

Hiện nay, dù số người làm nông nghiệp đã giảm đáng kể nhưng Tết giữa năm vẫn diễn ra ở hầu hết mọi gia đình. Hơn nữa, không có nhiều gia đình biết đến điển tích và nguồn gốc của Tết nửa năm, đặc biệt là gia đình trẻ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cúng bái trong ngày này theo tập tục được truyền qua nhiều thế hệ. Mục đích là để cầu bình an và may mắn cho gia đình trong nửa năm tiếp theo.

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Nếu nói về nguồn gốc, có khá nhiều cách lý giải về ngày này. Với người Việt thì đó là câu chuyện về Đôi Truân. Đây cũng là truyền thuyết lý giải cho cái tên Tết diệt sâu bọ. Chuyện là ngày xưa, nông dân thường mở tiệc ăn mừng sau khi thu hoạch nếu được mùa. Bỗng nhiên vào một ngày, trong lúc ăn mừng thì sâu bọ lại kéo đến phá hoại mùa màng nhanh chóng.

Khi đó, một người tên Đôi Truân đã xuất hiện và bày kế cho người dân. Ông dặn mọi người cần lấy bánh tro và trái cây làm mâm cúng rồi ra trước nhà tập thể dục. Người dân bắt đầu thực hiện theo và sâu bọ đã đi mất. Vì vậy, vào ngày này hàng năm, mọi người đều làm theo lời Đôi Truân và đặt tên cho ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm là Tết diệt sâu bọ.

blank
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ có liên quan đến ngành nông nghiệp

Bên cạnh chuyện về Đôi Truân, còn có điển tích của Khuất Nguyên. Các nhà sử học đã ghi nhận Tết giữa năm ra đời có liên quan chặt chẽ đến Khuất Nguyên. Khuất Nguyên là công thần thời Chiến Quốc nhưng lại bị đày ra Giang Nam vì đã ngăn cản vua làm điều sai trái. Sau đó, vì quá nhục chí nên ông đã quyên sinh ở sông Mịch La. Người đời vì xót thương cho ông nên đã chọn ngày mùng 5 tháng 5 làm ngày tưởng nhớ và đặt tên là Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được thông tin nào cho thấy sự liên quan giữa Khuất Nguyên và ngày Tết này..

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ Việt Nam

Vào dịp Tết này, người dân Việt Nam thường sẽ bày mâm cúng gia tiên hay còn gọi là cúng trong nhà nhưng lại không biết Tết Đoan Ngọ cúng gì. Thực ra, mâm cúng thường có những món sau:

  • 9 hoa đồng tiền màu đỏ
  • Mâm cơm chay
  • Bánh gói chay
  • Ba chén rượu: Một số gia đình sẽ thêm màu hoặc hùng hoàng vào rượu để có ba chén màu trắng, đỏ và vàng.
  • Cơm rượu
  • Vàng mã: Vàng mã cho ngày mùng 5 tháng 5 sẽ được cửa hàng vàng mã đóng gói thành một bộ hoàn chỉnh. Bạn chỉ cần ra mua một bộ thay vì chọn mua từng món.
  • Mâm ngũ vị: Theo dân gian, mâm ngũ vị cần có hoa quả có vị cay, đắng, chua, mặn và ngọt. Tuy nhiên, không nhất thiết phải có đủ vị, nhiều gia đình vẫn chỉ chọn ngẫu nhiên để cúng.
  • Ba chén nước trà
  • Vài nhánh đài sen

Tết Đoan Ngọ ăn gì?

Theo truyền thống được ghi nhận, vào ngày Tết giữa năm, người dân sẽ chỉ chọn một số món ăn đặc biệt như:

  • Bánh tro: Bánh tro còn được gọi là bánh ú, bánh âm hoặc bánh gio theo từng địa phương. Nhân bánh có thể được làm từ đậu xanh, thịt, long nhãn, trứng muối, hạt điều,…
  • Rượu nếp
  • Cơm rượu: Cơm rượu là nếp được vò viên sau đó đem lên men bằng men rượu.
  • Chè hạt: Chè hạt được dùng trong Tết  là chè hạt sen và chè đậu đen. Một số nơi sẽ có sử dụng hạt khác như chè đậu đỏ, chè đậu xanh.
  • Các món từ vịt: Ở miền Bắc, người dân thường ăn tiết canh vịt vào Tết giữa năm. Bên cạnh đó, nhiều nơi cũng có thể chế biến các món vịt khác để cúng và ăn
blank blank blank

Một số mâm cúng (Ảnh sưu tầm)

Tết này được ấn định vào ngày 5/5 lịch âm. Tết Đoan Ngọ 2023 sẽ là 22/6 Dương Lịch. Các quốc gia sẽ tổ chức Tết vào ngày này bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Triều Tiên. Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp các thành viên TC Group hiểu hơn về phong tục văn hóa Việt Nam!

Nguồn: Sưu tầm